Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, TPHCM đã yêu cầu các chợ tự phát, hàng rong dừng hoạt động. Hầu hết chợ đầu mối, chợ truyền thống tuân thủ ngừng hoạt động nhưng một số chợ tự phát lại lén lút buôn bán. Ghi nhận ngày 23-7 cho thấy, nhiều chợ tự phát còn xảy ra tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện giãn cách, không đảm bảo an toàn phòng dịch.
Thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, trong ngày 22.7, có 2 chợ tạm ngưng hoạt động là chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) tạm ngưng trong 2 ngày 22 và 23.7 và chợ Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi) vì lý do có ca nhiễm Covid-19 trong chợ.
UBND TP yêu cầu Sở Công thương nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Để các chuỗi cung ứng không đứt gãy, dòng chảy hàng hóa thiết yếu trong vùng có dịch rộng lớn 19 tỉnh, thành không bị tắc nghẽn, đòi hỏi chỉ huy thống nhất, phối hợp thông suốt, tổ chức lực lượng hiệu quả, tạo đồng thuận cao và ứng dụng tốt công nghệ.
Sở Công thương đã rà soát, đánh giá TP hiện thiếu hụt nguồn cung rau củ quả với sản lượng khoảng 1.000 - 1.500 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, do nhu cầu cung ứng trứng gia cầm hiện nay của các doanh nghiệp tại TP và từ các địa phương giảm, nên TP đang thiếu hụt khoảng 300.000 - 400.000 trứng mỗi ngày (hiện mỗi ngày TP tiêu thụ 3 triệu trứng gia cầm).
Số ca bệnh càng lúc càng tăng cao, vì nhiều lý do, thực phẩm trở nên khan hiếm và đang dần trở thành vấn đề cấp bách. Giải pháp nào cung ứng thực phẩm cho người dân trong tâm dịch TP.HCM?
Sở Công thương TPHCM tổ chức Chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân thành phố, mời gọi doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng bổ trợ, góp phần thực hiện giải pháp phân phối hàng hóa thực phẩm thiết yếu bình ổn đến người tiêu dùng.